Nét đẹp trong nếp sống ngày Tết cổ truyền
của người Việt
Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu
cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng về những thay đổi tốt lành.
Sau những tháng ngày tảo tần, vất vả làm ăn, “năm hết Tết đến” là dịp để
mọi người nghỉ ngơi và sum họp. Bởi thế Tết là một sinh hoạt văn hóa với
nhiều ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và cao quý của dân tộc Việt Nam ta.
Quanh năm suốt tháng, mọi người đều phải lo làm ăn để kiếm sống, có người
phải đi làm ăn nơi đất khách quê người. Vì thế, ngày Tết là ngày để
mọi người được đoàn tụ dưới mái ấm gia đình của mình. Hầu hết mọi người,
dù có khó khăn đến đâu, dù cách xa đến đâu, họ cũng cố gắng trở về để cùng
đón Tết với gia đình. Tất cả
các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết. Các mẹ, các
chị thì lo việc bếp núc, cổ bàn, còn những người đàn ông, con trai thì lo quét
dọn nhà cửa, vườn tược, bàn thờ gia tiên cho trang nghiêm, sạch đẹp.
Ngày thường, rất hiếm khi tất cả các thành viên trong
gia đình có mặt đông đủ. Chỉ có ngày Tết mọi người trong gia đình mới có cơ hội
để quây quần bên nhau, cùng ăn cơm với nhau và cùng nhau hàn huyên tâm sự, chia
sẻ và cảm thông cho nhau. Do vậy, ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ, là ngày để
mọi người trở về với gia đình huyết thống của mình. Sự trở về này làm cho mọi
người cảm thấy ấm áp tình người, không còn thấy mình bị lạc lõng, bơ vơ giữa
dòng đời táp nập.
Nét đẹp văn hóa truyền thống ngày tết Cùng với sự trở về với gia đình
huyết thống là sự trở về với gia đình tâm linh. Từ rất xa xưa, người Việt
chúng ta đã biết thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình. Dù có nghèo khó đến
mấy, mọi gia đình đều cố gắng sắm sửa một vài mâm cổ để cúng ông bà, tổ
tiên, mời ông bà tổ tiên cùng về đón Tết với con cháu. Việc làm này đã tác
động sâu sắc vào tâm thức của những người con đất Việt, nhắc nhở mọi người
nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu
thảo trong mỗi người con được tiếp thêm sức mạnh, được nuôi lớn không
ngừng.
Ngày đầu năm đi chùa lễ Phật đã trở thành một tập tục
của người dân nước ta. Phần lớn người dân Việt, dù theo đạo Phật hay không
theo đạo Phật, họ đều đến chùa vào ngày đầu năm. Mọi người đến chùa để lễ
Phật, để cầu nguyện và hái lộc đầu Xuân. Đối với người Việt chúng ta, ngày
đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, nó có thể ảnh hưởng đến đời sống của
bản thân suốt cả một năm. Vì thế mọi người đã tìm đến với chốn thiên, nơi
trang nghiêm, thanh tịnh để gột sạch thân tâm. Khi lễ Phật, thân quỳ trước
đức Phật nên thân nghiệp được thanh tịnh, miệng xưng tán danh hiệu Phật và
phát lời cầu nguyện chân chính nên khẩu nghiệp được thanh tịnh, tâm ý
duyên theo danh hiệu Phật và lời cầu nguyện nên ý nghiệp được thanh tịnh.
Ngày Xuân đi chùa ngoài việc lễ Phật và cầu nguyện, mọi người còn có thói
quen hái lộc đầu Xuân. Người ta hái một nhánh lá, một cành hoa trong vườn
chùa với niềm tin là sẽ được may mắn, an lành trong một năm, mong sao năm
mới có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Như vậy, Tết là một dịp tốt để mọi người trở về với
gia đình tâm linh, sống với đời sống tâm linh của mình. Sự trở về này đã
tiếp thêm sức mạnh cho mọi người trong cuộc sống, giúp mọi người tự tin
hơn và lạc quan hơn trước những biến cố của cuộc đời. Không những
thế, ngày Tết còn là dịp nhắc nhở mọi người nhớ đến những vị ân nhân của mình và cũng là dịp để thể hiện
lòng biết ơn. Người Việt chúng ta đã nhắc nhở nhau rằng:
“Mồng một ăn Tết nhà cha
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.”
Qua đây cho chúng ta
thấy rằng, người Việt Nam rất trọng hiếu đạo. Làm người thì điều quan trọng
nhất là phải hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ là người sinh ra ta, giáo dưỡng ta
nên người, đã chịu không biết bao nhiêu cay đắng để cho chúng ta có được một
cuộc sống ngọt bùi. Cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho con. Vì thế, làm con
thì phải hiếu thảo với cha mẹ, ngày đầu năm phải thăm viếng cha mẹ, mừng tuổi
cha mẹ, phải chăm lo cho cha mẹ để cha mẹ được vui lòng.
Sau cha mẹ là người thầy. Cha mẹ là
người sinh ra ta, còn thầy là người tác thành sự nghiệp cho ta, dạy cho ta biết
những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Ân tình của thầy cũng vô cùng sâu
nặng. Cho nên làm người thì phải biết đền đáp công ơn dạy dỗ của thầy. Một
trong những cách thức thể hiện lòng biết ơn và đền ơn đối với thầy là phải thăm
viếng thầy vào dịp đầu Xuân. Người học trò không nhất thiết phải đem mâm cao cỗ
đầy đến cho thầy, chỉ cần đến với thầy bằng tấm chân tình thì dù không có một
món quà nào cả cũng đủ làm ấm lòng thầy, đủ làm cho thầy hạnh phúc lắm rồi. Sự
viếng thăm những người thân, những vị ân nhân trong ngày Tết là một nghĩa cử
cao đẹp. Và có một điều mà người Việt chúng ta cũng rất chú trọng trong dịp
Tết, đó là sự thận trọng trong mọi cử chỉ, hành vi của mình. Bởi mọi người nghĩ
rằng, những gì diễn ra trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của
năm đó, cho nên mọi người rất thận trọng trong lời nói, cách ứng xử của mình và
trong việc làm của mình. Ngày tết, mọi người kiêng cử những lời gắt gỏng, những
hành động, việc làm thô lỗ như chửi mắng, đánh đập… Dù cho trong năm cũ có
những sự hiểu lầm, thù oán hay ganh ghét, đố kỵ nhau thì đến ngày Tết người ta
cũng vui vẻ bỏ qua cho nhau, mọi người thường nhắc nhở nhau rằng, “Giận đến
chết, ngày Tết cũng vui”. Đây chính là sự biểu hiện của một sức sống cộng đồng
thân ái, bao dung, độ lượng và đầy trách nhiệm. Trong những ngày Tết còn có
nhiều trò vui chơi giải trí, các hội thi bình dân, lành mạnh và bổ ích để cho
mọi người có thể vui chơi, như là đua thuyền, thi đấu vật, thi đấu bóng đá, bóng
chuyền, kéo co... Các cuộc thi này bao giờ cũng thu hút đông đảo người xem. Tục
xin chữ ngày Tết, treo câu đối đỏ, treo tranh thư pháp... cũng là những thú
chơi tao nhã và mang nhiều ý nghĩa cao quý. Đầu năm người thường xin chữ nhẫn,
chữ phúc, lộc, thọ, chữ tâm, chữ đức... Những chữ này cũng như nội dung của các
câu đối, các câu thư pháp đều chứa đựng trong nó những ý nghĩa sâu sắc. Ngoài
những câu có nội dung cầu chúc những điều may mắn cho năm mới, còn lại phần lớn
là những câu, những chữ có tác dụng giáo dục đạo đức, tình cảm cho con cháu
trong gia đình.
Những nét đẹp trong nếp sống ngày Tết của nhân dân ta
có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Giữ
gìn và phát huy những nét đẹp ấy là một việc làm có ý nghĩa, góp phần làm
cho bộ mặt và bản sắc văn hóa Việt thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc,
văn minh, và tốt đẹp hơn.
Những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo
dục, công tác văn hóa phải là những người đi đầu và làm gương trong việc
giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong nếp sống ngày Tết của người Việt.
Và tất cả mọi thành viên trong xã hội cũng phải nêu cao ý thức này. Có như
thế đất nước ta mới có thể càng ngày càng tiến bộ, càng ngày càng văn
minh, hạnh phúc.