Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện


    Lương Khánh Thiện còn gọi là Trần Xuân Thành, quê ở làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính - Thanh Liêm, (nay là thị xã Phủ Lý) Hà Nam. Ông sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho nghèo. Từ 5 tuổi, Lương Khánh Thiện đã được bà nội và các cô bác họ hàng cưu mang giúp đỡ, nuôi dưỡng ăn học. Học hết lớp Nhì trường tiểu học, Lương Khánh Thiện phải bỏ học đi làm kiếm sống.
   

   
     Năm 1923 - khi tròn 19 tuổi, Lương Khánh Thiện xin được vào học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, rồi được giác ngộ cách mạng. Từ đây, ông cùng với đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ… làm công nhân cơ khí Nhà máy Tơ Hải Phòng và hoạt động cách mạng cùng với các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt.

    Cuối năm 1925, phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu lên cao trong cả nước. Lương Khánh Thiện cùng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ viết đơn đòi ân xá cho cụ Phan. Các ông đón đường đưa đơn cho toàn quyền Varen vào ngày 7/2/1925. Nghe tin này, đốc trường Phi.Ô.Lô đã trả thù. Đánh đập không thể khuất phục, đốc trường doạ đuổi học khi sắp tốt nghiệp.Lương Khánh Thiện và 30 anh em đồng loạt bỏ trường.
    Năm 1926, Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội nhà máy sợi. Ông đã vận động thành lập Hội Tương tế để giúp đỡ công nhân nhà máy lúc khó khăn và đấu tranh đòi quyền lợi với chủ.
    Năm 1927, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Định ra đời, Lương Khánh Thiện đã nhiệt thành tham gia.
    Chủ nhà máy tìm cách đuổi việc, Lương Khánh Thiện tạm lánh về Mễ Tràng tiếp tục vận động cách mạng. Tại quê nhà, ông đã tuyên truyền cách mạng cho nhiều cơ sở, có đồng chí sau này làm Bí thư chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lý.
    Đầu năm 1928, ông trở lại Hải Phòng xin được việc ở xưởng cơ khí Nhà máy Tơ, ông liên lạc với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt tháng 4/1929. Lương Khánh Thiện vinh dự được kếp nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng.
    Tháng 11 năm 1929, Lương Khánh Thiện lãnh đạo công nhân đấu tranh và kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga. Bị thực dân Pháp đuổi khỏi nhà máy, ông rút vào hoạt động bí mật.
    Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 Lương Khánh Thiện đã bị bắt. Qua 7 tháng giam giữ, thực dân Pháp đưa Lương Khánh Thiện cùng một số đồng chí khác ra xử ở Kiến An.Ông bị kết án khổ sai chung thân. 
    Năm 1932, Lương Khánh Thiện bị đày ra Côn Đảo, ông đã tích cực hoạt động trong tù. Tháng 06/1936, Chính phủ mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, thực dân Pháp đã trả tự do cho một số tù chính trị.
    Ra tù, Lương Khánh Thiện lại cùng vợ con lên Hà Nội hoạt động. Ông đã liên lạc được với các đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu. Cuối năm 1936, tại Hội nghị xứ uỷ Bắc Kỳ, Lương Khánh Thiện được bầu vào Xứ uỷ.
    Lương Khánh Thiện đã mở hiệu giặt là- mang tên Mai Hải ở phố Hàng Khoai – Hà Nội để vừa gây quỹ cho Đảng và làm cơ sở liên lạc bí mật.
    Năm 1938, Lương Khánh Thiện trực tiếp lãnh đạo công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đuổi thợ. Cuộc đấu tranh đã đi đến thắng lợi.
     Khi chính phủ mặt trận nhân dân Pháp sụp đổ, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Tình thế cực kỳ khó khăn, nhưng được nhân dân che chở, Lương Khánh Thiện vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng.
    Đầu năm 1940, Đảng phân công Lương Khánh Thiện phụ trách khu B gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương và trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng.
     Tháng 11 năm 1940, Lương Khánh Thiện lại bị địch bắt tại Hải Phòng rồi đưa về giam giữ tại Hoả Lò (Hà Nội).
     Không khuất phục nổi người cộng sản kiên cường, toà án đế quốc đã kết án tử hình đồng chí Lương Khánh Thiện và đã xử bắn vào hồi 4 giờ 30 sáng ngày 01/09/1941 tại Hải Phòng.
     Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu trang giải phóng dân tộc. Tên ông đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên và Hà Nội.